Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Chạm ý thơ - nghĩ về miền lục bát

                                           (Bài trình bày tại hội nghị ra mắt tác phẩm:
     “Cầu Giấy thơ” của CLB Nhà Văn hóa Cầu Giấy - 20/6/2013)
                                                      
 Nguyễn Minh Bích
                        (CLB thơ Lục bát Hà Nội - chi nhánh Cầu Giấy)
        Câu lạc bộ Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy Hà Nội sắp ra mắt bạn đọc tác phẩm “Cầu Giấy thơ”. Đây là tập thơ có chất lượng cả về hình thức cũng như nội dung. Ẩn chứa trong đó tấm lòng nhân hậu, thiết tha của 50 tác giả (toàn cây bút đã nghỉ hưu) với 183 bài, gồm đủ các thể loại thơ khác nhau: Từ lục bát; đường luật đến tứ tuyệt; ngũ ngôn; lục ngôn; song thất lục bát; và thơ tự do… trong đó số lượng thơ lục bát chiếm gần một nửa số bài so với tổng số đã in trong tập (86/183 bài). Tôi rất có ý thức đọc và học hỏi tất cả các bài, các thể thơ trong tác phẩm. Song do thói quen thường trực, chẳng hiểu có tự bao giờ, nên tôi giành nhiều thời gian và tình cảm của mình cho thơ lục bát. Bởi thế khi gặp bài “Yêu nàng lục bát” của tác giả Vân Nga, mới đọc lướt qua – tựa hồ như mới chạm vào bài thơ và ý thơ đã khiến tôi nghĩ ngay đến một miền lục bát. Xin thưa: Tôi hoàn toàn không có ý định , và càng không coi đây là bài thơ “hay nhất” trong tập thơ. Chắc chắn tác giả và bạn đọc cũng dễ dàng đồng tình với tôi về điều đó.
Bài thơ không dài, chỉ vẻn vẹn có 14 câu thơ lục bát, tác giả không có ý định phân chia cấu trúc bài thơ này thành những khổ nhỏ, bài thơ liền mạch như một dòng chảy. Mở đầu bằng 2 câu: “Lục bát say đắm lòng tôi/ Tiếng ru êm ái à ơi những chiều”/ và kết thúc bằng 2 câu: “Tha hương rời bỏ quê cha/ Nhớ câu lục bát ngân nga lại về”/
Đọc bài thơ, ta như thấy tác giả muốn gửi gắm trọn tình yêu và niềm tin của mình vào trong đó. Không dấu diếm, tác giả đã bộc lộ lòng mình ngay từ tên gọi bài thơ một cách hình ảnh: “Yêu nàng lục bát”. Coi thơ lục bát như người bạn thân thiết để tâm giao, gửi gắm lòng mình. Với phương pháp kể, tác giả cũng đã lần lượt cho người đọc thấy những cung bậc và căn nguyên tình yêu của mình với “Nàng lục bát”. Bởi lẽ lục bát đã có trong tác giả ngay từ thuở còn nằm trên nôi – trên cánh tay âu yếm của mẹ, của bà, cùng với nhịp chao nghiêng của “tiếng ru êm ái à ơi”. Cho đến lúc trưởng thành thì lục bát như lời tâm tình, thầm thì nhắc nhở về công lao dưỡng dục sinh thành của mẹ, cha, công lao ấy như non cao biển rộng; làm người chớ quên điều thiêng liêng, cao quý ấy. Và đây nữa: Lục bát còn lưu giữ những khúc tâm tình đẹp đẽ của tình yêu lứa đôi, tình yêu tuổi trẻ, có cả sự chứng giám của những buổi “hoàng hôn chín mọng” hay những phút “bình minh la đà”; lục bát in đậm và lưu giữ mãi hình ảnh “gốc đa, giếng nước” đầu làng vẫn xanh trong kỷ niệm của tác giả một thời đã qua. Đó là căn nguyên để dẫu có phải “tha hương rời bỏ quê cha” thì vẫn “nhớ câu lục bát ngân nga lại về” thật trọn nghĩa, vẹn tình biết bao.

Ngôn ngữ thơ mộc mạc, lời lẽ dung dị, chuyển tải ý thơ êm nhẹ trôi xuôi. Đọc đến đâu hiểu ngay đến đó. Chẳng cần suy nghĩ gì thêm. Tất cả đã “bày sàng” lên từng con chữ cả rồi. Khi đọc bài thơ, chắc mỗi người trong chúng ta đều tìm thấy những cảm nhận cần thiết cho riêng mình.
Với tôi – xin cảm ơn tác giả đã tạo dịp cho tôi được gửi vài suy tư về miền lục bát.
Những người yêu thơ như chúng ta chắc ai ai cũng hiểu thơ là gì? Thế nào thì được gọi là thơ? Cho tôi mượn lời tâm sự của nhà thơ Tố Hữu như ông đã có lần chia sẻ để nói rõ cho vấn đề này: “Thơ là cái gì chứa chất trong lòng mà chưa nói ra được. Một câu thơ hay, một bài thơ hay là khi đọc lên không thấy câu, không thấy chữ, không thấy ý, không thấy lời, chỉ thấy chan chứa tình người”. Đấy là nhận định về thơ ca nói chung. Điều tôi muốn đề cập đến ở đây là thơ lục bát. Từ xưa cho đến nay không ai có thể phủ nhận được là tâm hồn của dân tộc Việt Nam gửi trọn vẹn vào thơ ca của dân tộc mình thì lục bát là thể thơ mà phần hồn của dân tộc đã nương náu ở đó nhiều nhất, sâu đằm nhất. Gắn với tiếng Việt, gắn với điệu tâm hồn Việt. Thơ lục bát đã thuộc về bản sắc dân tộc Việt. Cũng giống như các dân tộc khác trên thế giới: Người Trung Quốc tự hào về thể thơ thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; người Triều Tiên tự hào về thể thơ lục ngôn thể ( 6 chữ ); người Nhật tự hào về thể thơ Haiku; người Pháp, người Anh có thể thơ vần dãn cách – vần ôm nhau – vần chân; người Việt Nam ta, dân tộc Việt Nam ta tự hào về thể thơ lục bát – lục bát là niềm kiêu hãnh của thơ ca Việt Nam, của con người Việt Nam. Bởi dân ta nói vần, nói vè chủ yếu bằng lục bát, dân ta đối đáp giao duyên bằng lục bát, dân ta than thân trách phận cũng chủ yếu bằng lục bát, dân ta hát ru các thế hệ nối tiếp nhau cũng bằng lục bát. Thể thơ lục bát là phương tiện phổ thông nhất để người Việt giải tỏa tâm sự, ký thác tâm trạng, thăng hoa tâm hồn… Lục bát thực sự là một điệu hồn Việt
Nói về miền lục bát thì vô vàn điều muốn nói. Ở đây tôi chỉ xin đề cập tới một vấn đề thường nhật nhất mà hễ ai sáng tác lục bát cũng phải thừa nhận rằng: Lục bát dễ làm nhưng khó hay. Tại sao như vậy? Ta biết rằng từ xưa đến nay có 2 phương thức lục bát vẫn song hành với nhau đó là: Lục bát dân gian và lục bát cổ điển. Lục bát dân gian, thành tựu đặc sắc của nó là ca dao mà những áng thơ tuyệt tác là các tác giả vô danh đã được chọn lọc từ bao đời. Còn lục bát cổ điển thì những vần thơ được viết ra từ những cây bút bác học. Mà kết tinh chói ngời là Truyện Kiều của Nguyễn Du, như nhà văn Thâm Tâm đã nhận xét: “Đọc truyện Kiều hết 3254 câu thơ tuyệt diệu. Một cái gì còn lại trong lòng độc giả hẳn không phải chỉ là một trời thơ, một rừng văn dệt gấm thêu hoa mà còn là một bể nhạc, một trời tình…”. Ca dao của dân tộc Việt – đỉnh cao truyện Kiều của Nguyễn Du đã tạo thành kho tàng vô giá cho muôn đời cháu con khai thác trong sáng tác thơ ca – sáng tác lục bát không bao giờ vơi cạn.
Lục bát dễ viết là bởi từ ngôn ngữ đến vần điệu của nó gần với ca dao, bắt nguồn từ lời ăn tiếng nói thường ngày của người Việt, dân tộc Việt mà ai ai cũng có thể nói được, viết được một câu thơ như ca dao. Từ người nông dân đi chợ, đi Chùa đến người trí thức – bác học cũng nói và viết được những câu lục bát, nhưng cái khó của nó là không thể viết như ca dao hoặc bắt chước ca dao mà thơ lục bát phải trở thành thi pháp ca dao. Có nghĩa là cái mà thơ lục bát làm nên “cái tôi”, cái riêng có của người sáng tác mà nó không bị ca dao nhấn chìm hoặc tiêu diệt. Cái khó của nó là ở chỗ đó. Làm nên thi pháp ca dao trong sáng tác thơ lục bát để nó là nó quả thật không mấy dễ dàng. Phải trải qua lao động cực nhọc mới có thể làm ra được thi pháp ca dao.
Trong thực tiễn, những bài thơ lục bát nào đạt được trình độ đó đều là những bài thơ hay. Vì thế những câu thơ hay, những bài thơ hay đã làm tổ trong lòng người đọc nhiều thế hệ. Và chính nó làm nên tên tuổi cho tác giả. Trong làng thơ ca, làng văn học nước nhà, ta bắt gặp nhiều tác giả thân quen như: Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận trước đây, càng về sau ta càng thấy có nhiều những cây bút sáng giá trong nền thơ ca của nước nhà như: Tố Hữu, Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Trần Đăng Khoa, Lê Đình Cánh, Phạm Công Trứ…vv và nhiều nhà thơ tên tuổi khác. Mỗi người đã để lại cho thơ ca lục bát một phong cách riêng, một tiếng nói riêng. Nguyễn Duy là một nhà thơ tiêu biểu. Nguyễn Duy có những câu thơ đọc lên ta thấy phảng phất chất ca dao nhưng hoàn toàn không phải ca dao. Tưởng như bắt chước ca dao nhưng đó chính lại là thi pháp ca dao, ví dụ như câu: “Thơ ơi ta bảo thơ này / Để ta đi cấy đi cày nuôi em /. Bằng thi pháp ca dao, Nguyễn Duy đã bình dị hóa cái cao cả. Tác giả yêu thơ lục bát đấy nhưng diễn tả điều đó có thấy chữ “yêu” nào đâu. Nổi lên là cả một quá trình lao động nhọc nhằn vất vả chẳng khác nào lao động cực nhọc như đi cấy, đi cày để “nuôi em”. Nhờ có thi pháp ca dao đã giúp cho Nguyễn Duy viết được những câu thơ rất tài hoa: “Ta cài cúc áo cho em / Vung tay gói lại một miền cỏ lau /.
Câu thơ đầy sức gợi cảm và gợi tả đi từ cái thực đến cái hư; đi từ gần đến xa. Chỉ hai câu 6/8 có thể làm nên như một bài thơ. Đọc lên ta như thấy một bức tranh của một nghệ nhân điêu luyện. Không chỉ có những nhà thơ chuyên nghiệp nổi tiếng như kể trên mà ngay trong chúng ta – những người yêu thơ, bằng lao động nghiêm cẩn tạo được thi pháp ca dao nên đã tạo được những câu thơ sống mãi trong lòng độc giả. “Vục gầu nước bạc em tôi / tay ngà khoắng cả mây trời nước trong / Câu lục bát như đã chắt lọc được hồn vía của ca dao, phảng phất âm hưởng của ca dao, vì thế đã tạo nên dáng vóc và thế đứng của chính nó. Mỗi khi đọc lên ta thấy hiển hiện câu ca dao đã từng làm nên sự lấp lánh trong kho tàng văn học dân tộc: “Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi “ /
Lang thang trở về miền lục bát, tôi xin đôi lời sẻ chia cùng tác giả bài thơ “Yêu nàng lục bát” và bạn đọc. Mong sao chúng ta cùng suy ngẫm, góp phần sáng tác được nhiều hơn những câu thơ hay, bài thơ lục bát có ý nghĩa hơn để sưởi ấm lòng mình và duy trì, phát huy, làm giàu hơn lục bát – cái “hương hỏa của cha ông” để cháu con muôn đời nối tiếp
Xin cảm ơn!                                                                 

Tháng 6- 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét