Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Chạm ý thơ - nghĩ về miền lục bát

                                           (Bài trình bày tại hội nghị ra mắt tác phẩm:
     “Cầu Giấy thơ” của CLB Nhà Văn hóa Cầu Giấy - 20/6/2013)
                                                      
 Nguyễn Minh Bích
                        (CLB thơ Lục bát Hà Nội - chi nhánh Cầu Giấy)
        Câu lạc bộ Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy Hà Nội sắp ra mắt bạn đọc tác phẩm “Cầu Giấy thơ”. Đây là tập thơ có chất lượng cả về hình thức cũng như nội dung. Ẩn chứa trong đó tấm lòng nhân hậu, thiết tha của 50 tác giả (toàn cây bút đã nghỉ hưu) với 183 bài, gồm đủ các thể loại thơ khác nhau: Từ lục bát; đường luật đến tứ tuyệt; ngũ ngôn; lục ngôn; song thất lục bát; và thơ tự do… trong đó số lượng thơ lục bát chiếm gần một nửa số bài so với tổng số đã in trong tập (86/183 bài). Tôi rất có ý thức đọc và học hỏi tất cả các bài, các thể thơ trong tác phẩm. Song do thói quen thường trực, chẳng hiểu có tự bao giờ, nên tôi giành nhiều thời gian và tình cảm của mình cho thơ lục bát. Bởi thế khi gặp bài “Yêu nàng lục bát” của tác giả Vân Nga, mới đọc lướt qua – tựa hồ như mới chạm vào bài thơ và ý thơ đã khiến tôi nghĩ ngay đến một miền lục bát. Xin thưa: Tôi hoàn toàn không có ý định , và càng không coi đây là bài thơ “hay nhất” trong tập thơ. Chắc chắn tác giả và bạn đọc cũng dễ dàng đồng tình với tôi về điều đó.
Bài thơ không dài, chỉ vẻn vẹn có 14 câu thơ lục bát, tác giả không có ý định phân chia cấu trúc bài thơ này thành những khổ nhỏ, bài thơ liền mạch như một dòng chảy. Mở đầu bằng 2 câu: “Lục bát say đắm lòng tôi/ Tiếng ru êm ái à ơi những chiều”/ và kết thúc bằng 2 câu: “Tha hương rời bỏ quê cha/ Nhớ câu lục bát ngân nga lại về”/
Đọc bài thơ, ta như thấy tác giả muốn gửi gắm trọn tình yêu và niềm tin của mình vào trong đó. Không dấu diếm, tác giả đã bộc lộ lòng mình ngay từ tên gọi bài thơ một cách hình ảnh: “Yêu nàng lục bát”. Coi thơ lục bát như người bạn thân thiết để tâm giao, gửi gắm lòng mình. Với phương pháp kể, tác giả cũng đã lần lượt cho người đọc thấy những cung bậc và căn nguyên tình yêu của mình với “Nàng lục bát”. Bởi lẽ lục bát đã có trong tác giả ngay từ thuở còn nằm trên nôi – trên cánh tay âu yếm của mẹ, của bà, cùng với nhịp chao nghiêng của “tiếng ru êm ái à ơi”. Cho đến lúc trưởng thành thì lục bát như lời tâm tình, thầm thì nhắc nhở về công lao dưỡng dục sinh thành của mẹ, cha, công lao ấy như non cao biển rộng; làm người chớ quên điều thiêng liêng, cao quý ấy. Và đây nữa: Lục bát còn lưu giữ những khúc tâm tình đẹp đẽ của tình yêu lứa đôi, tình yêu tuổi trẻ, có cả sự chứng giám của những buổi “hoàng hôn chín mọng” hay những phút “bình minh la đà”; lục bát in đậm và lưu giữ mãi hình ảnh “gốc đa, giếng nước” đầu làng vẫn xanh trong kỷ niệm của tác giả một thời đã qua. Đó là căn nguyên để dẫu có phải “tha hương rời bỏ quê cha” thì vẫn “nhớ câu lục bát ngân nga lại về” thật trọn nghĩa, vẹn tình biết bao.