Tên gọi tập thơ được tác giả lấy ra từ tít của bài thơ đầu của tập. Đọc bài thơ ấy, độc giả như thấy được lời giới thiệu khái quát và tế nhị của tác giả về nguyên do đến với "Cánh đồng thơ" của mình. Nguyễn Minh Bích đến với thơ có phần như hơi muộn, bởi trước đó anh còn bộn bề với bao việc thường nhật phải làm, cho dù trong anh luôn ấp ủ, đằm thắm và nặng lòng với "Cánh đồng thơ":
Mải mê với "Cánh đồng đời"
Bao nhiêu năm ấy, một thời đã qua
Trải bao gió táp mưa sa
Buồn vui sướng khổ âu là duyên cơ
Nay về với cánh đồng thơ
Nắng chiều bảng lảng mây hờ hững trôi
Bao mùa kỷ niệm đầy vơi
Ủ trong năm tháng giục lời thơ hay
Với thơ, khó ai có thể nói là sớm hay muộn. Bởi bao dung cảm của tác giả cứ dồn nén đợi chờ, khi thăng hoa sẽ cất lên thành tiếng lòng. Chính vì thế mà Nguyễn Minh Bích qua thời gian dài đã "Ủ trong năm tháng, giục lời thơ bay", để rồi anh phải thốt lên với cả tiếng lòng mình đằm thắm, thiết tha và bay bổng:Ơi năm ơi tháng ơi ngày
Vần thơ thao thức, gieo say đồng chiều
(Thao thức đồng chiều)
Thế mới biết con đường đến với thơ nhiều ngả làm sao. Nhưng tựu trung lại, ngả nào thơ cũng dang rộng vòng tay đón đợi lời thơ thủ thỉ của con tim ở mỗi tác giả về những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật của mỗi con người.Là người con xa quê, sống giữa chốn đô thành phồn hoa náo nhiệt, hàng ngày bận cuốn theo áp lực của công việc, nhưng có lúc rảnh rỗi, Nguyễn Minh Bích lại dành nỗi nhớ về quê hương nguồn cội. Đó là nơi "Chôn nhau cắt rốn" của mình. Trong anh lại hiện về với bao hình ảnh thân quen, đậm đà tình nghĩa quê hương làng xóm.
Sáo diều bay bổng câu hò
Nắng chiều dìu dặt cánh cò ven đê
Ai ơi... thương nhớ thì về
Ngàn năm một thuở tình quê mặn nồng
(Nhắn)
Nỗi nhớ da diết trong lòng như thúc giục, nên mỗi khi có dịp, tác giả lại tranh thủ về quê thăm ông bà, chú bác đôi bên nội ngoại. Tác giả không quên thắp nén nhang thơm gửi tới mẹ tấm lòng thành kính của đứa con:Thăm đồng xưa biết nói gì
Công cha nghĩa mẹ khắc ghi trọn đời
Nhang thơm con gửi về trời
Mong cha thanh thản - Mẹ ơi yên lòng!
(Thăm cánh đồng làng)
Thế đấy! Nguyễn Minh Bích luôn nặng lòng với quê hương và được thể hiện qua những vần thơ anh viết:Cánh cò trút nắng... âm thầm
Cánh diều đảo nhịp, khôn cầm chiều buông
Bao nhiêu kỷ niệm thân thương
Ấp iu sưởi ấm nẻo đường con đi
(Thăm cánh đồng làng)
Đọc thơ anh ở mảng chủ đề này, tôi bất giác nhớ tới vần thơ của một nhà thơ khi về thăm quê, nhà thơ ấy cảm thấy như mình có lỗi với quê qua câu thơ "Với quê hương tôi là con nợ khó đòi". Đúng vậy! Có ai xa quê mà không canh cánh bên lòng món nợ với quê đâu.Thăm người chị gái của mình, Nguyễn Minh Bích lại nhớ hình ảnh những năm tháng chị đã chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai nuôi mình ăn học. Anh như vẫn nghe được tiếng ru của chị chao theo nhịp võng trưa hè đưa anh vào giấc ngủ say nồng:
Sinh ra trong cảnh nghèo hèn
Tháng ngày tận tụy nuôi em học hành
Miếng ăm ngon, tấm áo lành
Nhịn nhường chia sẻ chị dành phần em...
Đâu đây thoảng tiếng võng đưa
À... ơi,... Lời chị, giấc trưa em nồng
(Chị tôi)
Bảy mươi bài thơ trong tập "Thao thức đồng chiều", Nguyễn Minh Bích đã thể hiện rõ nét những chủ đề về gia đình, quê hương, tình yêu và suy ngẫm về nhân tình thế thái. Nỗi nhớ về những kỷ niệm đã qua của anh đã được thể hiện rõ nét trong thơ:Anh viết gửi em bài thơ kỷ niệm
Bấy lâu nay vẫn ấp ủ trong lòng
Tuy xa rồi nhưng anh vẫn hằng mong
Gửi lại cho em mấy dòng thân thiết
( Bài thơ kỷ niệm)
Ở mỗi mảng đề tài, anh đều có bài viết thành công khi chọn tứ, chọn vần để độc giả khi gấp lại tập thơ nhưng vẫn còn nhớ mãi.Trong những chuyến đi công tác xa ở các tỉnh phía Nam, tác giả đều nhớ về gia đình và anh đã mượn vần thơ để nói chuyện với con trai yêu quý:
Nhớ con nhớ lắm con ơi
Trĩu lòng bố, một khoảng trời phương Nam
(Nói với con)
Cứ vậy, thơ Nguyễn Minh Bích được khơi theo dòng cảm xúc và anh viết với tất cả lòng mình. Tuy có đôi câu thơ tác giả còn có vẻ như cần kiệm, dễ dãi. Nhưng với "Thao thức đồng chiều" anh đã cố gắng để thành công trong lao động nghệ thuật thi ca. Hà Nội, hè 2012
Trần Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét